Triển khai truyền thông phòng chống HIV/AIDS từ thị xã đến các xã, phường với sự phối hợp của các ban, ngành, đoàn thể là mảng hoạt động nổi bật của TTYT thị xã Quảng Trị trong những tháng đầu năm 2017. Trong thời gian này, Trung tâm đã tổ chức 57 lượt truyền thông trực tiếp với 17.904 lượt người về thay đổi hành vi nguy cơ lây nhiễm HIV tại các xã, phường và lồng ghép truyền thông phòng chống HIV/AID vào nội dung các cuộc họp của các ban, ngành, đoàn thể. Qua đó, Trung tâm đã cung cấp nhiều tài liệu, tờ rơi phòng chống HIV/AIDS cùng Tạp chí AIDS và cộng đồng, bao cao su tới góc truyền thông ở Trạm Y tế (TYT) các xã, phường và mạng lưới cán bộ chuyên trách, nhân viên tiếp cận cộng đồng đã cấp phát 246 chiếc bao cao su và 400 chiếc bơm kim tiêm sạch tới các đối tượng có hành vi nguy cơ lây nhiễm HIV cao. Bên cạnh đó, TYT các xã, phường vận động người nhiễm HIV tuân thủ điều trị bằng thuốc kháng virus (ARV) cũng như hướng dẫn gia đình của người nhiễm HIV chăm sóc người nhiễm HIV, người bệnh AIDS tại nhà và giới thiệu người nhiễm HIV tiếp cận các dịch vụ chăm sóc và điều trị ARV. Trong Tháng Cao điểm dự phòng lây nhiễm HIV từ mẹ sang con được tổ chức từ ngày 1/6 đến ngày 30/6/2017, Trung tâm tổ chức truyền thông trực tiếp với phụ nữ mang thai về dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con, tư vấn và lấy máu xét nghiệm HIV tự nguyện với 38 phụ nữ mang thai đến khám tại các TYT, tuyên truyền về dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con trên hệ thống phát thanh cơ sở, treo băng-rôn in khẩu hiệu cổ động dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con tại TTYT và các TYT,…
Về giám sát HIV/AIDS và can thiệp giảm tác hại dự phòng lây nhiễm HIV, chị Bùi Thị Xuân-Thư ký Chương trình Phòng chống HIV/AIDS của TTYT thị xã Quảng Trị cho biết: TTYT thị xã Quảng Trị ưu tiên truyền thông nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi thu hút sự tham gia, ủng hộ của các nhà lãnh đạo và người dân đối với chương trình cung cấp bao cao su, bơm kim tiêm và hướng dẫn các đối tượng có hành vi nguy cơ cao là người bán dâm, tiếp viên nhà hàng, người thuộc nhóm di biến động dân số, người nghiện chích ma túy, phụ nữ mang thai, người nhiễm HIV, người mắc bệnh lây truyền qua đường tình dục… sử dụng bao cao su đúng cách và sử dụng bơm kim tiêm an toàn. Cùng với xây dựng điểm đặt bao cao su và bơm kim tiêm sạch phù hợp để cấp phát miễn phí cho người nghiện chích ma túy, mạng lưới phòng chống HIV/AIDS của Trung tâm tuyên truyền, vận động các đối tượng nghiện chích ma túy tham gia điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng Methadone. Chú trọng truyền thông can thiệp giảm tác hại theo chuyên đề, Trung tâm phối hợp Hội Liên Phụ nữ thị xã và khoa Phòng chống HIV/AIDS của TTYT Dự phòng tỉnh Quảng Trị tổ chức thảo luận nhóm về phòng chống HIV/AIDS trong nhóm phụ nữ từ 15 tuổi đển 49 tuổi ở các xã, phường; thảo luận nhóm về dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con với phụ nữ mang thai tại phường 1; tăng cường tư vấn xét nghiệm HIV tự nguyện với 37 phụ nữ mang thai; phối hợp chương trình phòng chống lao và chương trình chăm sóc sức khỏe sinh sản tư vấn xét nghiệm tự nguyện với người bệnh lao và người mắc các bệnh lây truyền qua đường tình dục.
Mặc dù đã đạt một số kết quả chuyên môn và hiệu ứng xã hội khá tích cực trong việc nâng cao hiểu biết về phòng chống HIV/AIDS của cộng đồng, người nhiễm HIV, thành viên gia đình và nhóm có hành vi nguy cơ cao nhưng đến nay TTYT thị xã Quảng Trị vẫn đối mặt với những khó khăn, tồn tại cần sớm khắc phục, giải quyết: Hoạt động truyền thông thay đổi hành vi chưa tiếp cận hết các đối tượng di biến động dân để cung cấp kiến thức phòng chống HIV/AIDS; các TYT còn trông chờ sự chỉ đạo và đôn đốc của TTYT; một số ban, ngành cấp phường và khu phố còn ỷ lại ngành y tế trong các hoạt động phối hợp phòng chống HIV/AIDS; không có kinh phí tổ chức hoạt động phòng chống HIV/AIDS; kỹ năng truyền thông của đội ngũ phòng chống HIV/AIDS, nhất là nhân viên tiếp cận cộng đồng một số khu phố còn hạn chế nên hiệu quả tiếp cận, tư vấn và tuyên truyền chưa cao; các cơ sở y tế tư nhân, các dịch vụ thẩm mỹ và cắt tóc chưa chấp hành đầy đủ các quy định đảm bảo vô khuẩn. Dó đó, TTYT thị xã Quảng Trị đã đề nghị tăng cường kinh phí truyền thông phòng chống HIV/AIDS; tổ chức tập huấn, hội thảo phòng chống HIV/AIDS cho ban cán sự và các ban, ngành, đoàn thể cấp khu phố; hỗ trợ kinh phí thăm người nhiễm HIV và người bệnh AIDS; hỗ trợ đội ngũ nhân viên tiếp cận cộng đồng kinh phí hoạt động, nhất là kinh phí sinh hoạt nhóm định kỳ hàng tháng; đưa cơ sở cấp phát Methadone điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện cho người nghiện chích ma túy đi vào hoạt động.
Tầm quan trọng của truyền thông tiếp tục được Bộ Y tế nhấn mạnh tại Công văn số 2302/BYT-AIDS ngày 4/5/2017 về việc Tăng cường công tác truyền thông phòng chống HIV/AIDS năm 2017 và các năm tiếp theogửi Ban Chỉ đạo Phòng chống AIDS và phòng chống tệ nạn ma túy, mại dâm các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương: …Truyền thông là một trong những biện pháp chủ yếu trong phòng chống HIV/AIDS. Truyền thông không chỉ làm thay đổi hành vi, nâng cao nhận thức của người dân về nguy cơ, sự lây truyền HIV và các biện pháp phòng tránh, làm giảm sự kỳ thị và phân biệt đối xử với người nhiễm HIV/AIDS mà còn kết nối và thúc đẩy các dịch vụ về dự phòng, chăm sóc và điều trị cho người nhiễm HIV/AIDS cũng như góp phần nâng cao trách nhiệm và sự quan tâm của các cấp, các ngành, các tầng lớp xã hội vào công cuộc phòng chống HIV/AIDS, góp phần kiểm soát sự gia tăng dịch HIV/AIDS… Theo tinh thần đó, những nỗ lực nâng cao năng lực và hiệu quả truyền thông thay đổi hành vi trong phòng chống HIV/AIDS, can thiệp giảm tác hại dự phòng lây nhiễm HIV/AIDS của TTYT thị xã Quảng Trị tích cực góp phần bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân.
Tác giả bài viết: NGUYỄN BỘI NHIÊN
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn